Kế hoạch và chuẩn bị Trận_Iwo_Jima

Phía Nhật Bản

Một khẩu pháo 120mm của Nhật Bản tại Iwo Jima

Thất bại trong việc bảo vệ quần đảo Mariana trong mùa hè năm 1944 đã khiến cho người Nhật càng nhận ra tầm quan trọng của quần đảo Ogasawara. Một nguyên nhân khác, Iwo Jima, trong con mắt người Nhật có giá trị hơn các đảo Tarawa, Guam, Tinian hay Saipan vì Iwo Jima là một phần của lãnh thổ đế quốc Nhật Bản từ lâu đời.[16]

Sau khi quân Mỹ chiếm được quần đảo Marshall qua các trận Kwajaleintrận Eniwetok vào tháng 2 năm 1944 thì cả lục quân và hải quân Nhật đều tăng cường quân tiếp viện đến đảo Iwo Jima. Trung tá Tsunezo Wachi đưa 5.000 lính hải quân lên đảo để bắt đầu xây dựng sân bay thứ 2 ở trung tâm đảo rồi sân bay thứ ba trên cao nguyên phía bắc. 500 quân từ căn cứ hải quân tại Yokosuka và thêm 500 nữa từ Chichi Jima đến Iwo Jima vào tháng 3 và tháng 4 năm 1944. Với sự tăng viện từ Chichi Jima và Nhật, quân đồn trú tại Iwo Jima đã đạt đến con số hơn 5.000 người, được trang bị 13 khẩu pháo, 200 súng máy hạng nặng và nhẹ, 4.552 khẩu súng trường. Ngoài ra còn có một số lượng lớn pháo 120mm được bố trí dọc theo bờ biển, 12 khẩu pháo phòng không hạng nặng, 30 pháo phòng không hai nòng loại 25mm.[17]

Tháng 6 năm 1944, Trung tướng Kuribayashi Tadamichi (栗林忠道) được thủ tướng Tōjō Hideki cử đến Iwo Jima cùng với Sư đoàn Bộ binh số 109 gồm 7.350 người và ông được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh lực lượng trên đảo. Tiếp theo sau đó, 2.216 lính hải quân cùng chuẩn Đô đốc Toshinosuka Ichimaru được phái đến để tăng cường cho đảo, đưa tổng số quân ở đây lên đến con số 21.000 người, bao gồm 14.000 lính bộ binh và 7.000 lính hải quân. Đảo có nhiều lương thực dự trữ nhưng thiếu nước ngọt.[18] Những người cuối cùng đến đảo là các đơn vị pháo binh và 5 tiểu đoàn chống tăng. Tuy nhiên, nhiều tàu chở hàng tiếp tế cho Iwo Jima trên đường đi đã bị tàu ngầm và máy bay Mỹ đánh chìm; như vào ngày 18 tháng 7 năm 1944, tàu ngầm Mỹ USS Cobia đã đánh chìm tàu Nisshu Maru, lúc đó đang đưa một trung đoàn tăng từ Nhật đến Iwo Jima, ở khoảng 180 dặm phía tây bắc Chichi: hầu hết lính Nhật được cứu sống nhưng bù lại quân Nhật mất 28 xe tăng. Trong vòng 6 tháng, phía Nhật mất khoảng 1.500 người trong hành trình đến Iwo Jima.[17] So với các chỉ huy khác của Nhật, Kuribayashi có một quan niệm phòng thủ khác. Lấy cảm hứng từ trận Peleliu và thời gian học tập tại Mỹ, ông đề nghị thay vì thiết lập một hệ thống phòng thủ ngoài bãi biển dễ bị hải pháo Mỹ vô hiệu hóa thì nên thiết lập hệ thống phòng thủ chiều sâu với nhiều hang động trong núi, hệ thống địa đạo để tiện đánh du kích. Các vị trí súng máy hạng nặng, súng cối, pháo phòng không, pháo bảo vệ bờ biển và đặc biệt là những chiếc xe tăng Chi-Ha Kiểu 97Ha-Go Kiểu 95 của Đại tá Nam tước Nishi Takeichi (西 竹一) đều được ngụy trang cẩn thận. Pháo phòng không được che giấu giữa những tảng đá dọc triền núi còn xe tăng nằm chờ phía sau những bức tường đá dày 2 mét với nòng súng chĩa ra ngoài. Hệ thống phòng thủ chính được xây dựng ở phía bắc với hệ thống địa đạo và công sự ngầm liên kết với nhau rất chặt chẽ. Tướng Kuribayashi thiết lập căn cứ chỉ huy ở cực bắc đảo, khoảng 500 mét hướng đông bắc làng Kita và phía nam Mũi Kitano. Căn cứ này nằm sâu 20 mét dưới mặt đất, ẩn trong các hang động và kết nối với 180 mét địa đạo. Xa hơn về phía nam tại Đồi 382, vị trí cao thứ hai tại Iwo Jima, người Nhật cho đặt trạm radio và dự báo thời tiết. Tại vị trí nhô cao gần đó nằm ở phía đông nam trạm, một lô cốt khổng lồ được xây dựng làm sở chỉ huy cho đại tá Chosaku Kaido, người chỉ huy toàn bộ các lực lượng pháo binh trên đảo.[19] Kể từ khi đến Iwo Jima, Kuribayashi đã đi bộ khắp hòn đảo và sáng nào ông cũng thức dậy lúc 3:30 sáng để thị sát công việc phòng thủ. Không chỉ thay đổi quan niệm về hệ thống phòng thủ, ông còn thay đổi luôn cả quan niệm về cách thức phòng thủ: không còn những cuộc tấn công tự sát mà thay vào đó mỗi người lính phải ra sức giữ mạng sống để chiến đấu và tiêu diệt được càng nhiều lính Mỹ càng tốt. Biết chắc rằng không thể thắng trong trận đánh này nhưng Kuribayashi kỳ vọng quân Mỹ gặp tổn thất quá lớn về nhân mạng sẽ hủy bỏ kế hoạch đổ bộ vào chính địa Nhật Bản.[20]

Để xây dựng hệ thống phòng thủ ở Iwo Jima, những kỹ sư công binh tài giỏi của Nhật đã được điều đến. Tiêu chí xương sống cho hệ thống phòng thủ này là một hệ thống hang động nằm sâu dưới lòng đất được kết nối bằng mạng lưới địa đạo. Mùa thu 1944, toàn bộ quân Nhật trú phòng trên đảo đều đã hoạt động dưới lòng đất. Có thêm hai tầng đường hầm, một phía trên và một phía dưới hệ thống địa đạo. Quân trú phòng còn xây dựng 1.500 phòng ngầm, nhiều phòng được cấp điện và thông hơi. Phòng không có điện thì dùng đèn dầu và nến. Các phòng này đều nằm sâu từ 10 đến 15 m dưới lòng đất và có nhiều lối ra vào để quân lính có thể thoát đến nơi khác khi gặp tình huống khẩn cấp.[21] Nhiều cơ sở khác cũng được đặt sâu trong lòng đất như doanh trại, phòng họp, trung tâm thông tin và cả những quân y viện được trang bị đầy đủ trang thiết bị giải phẫu.

Để chống lại hạm đội Mỹ, các phi đội cảm tử Kamikaze đã được thành lập từ trận hải chiến vịnh Leyte tiếp tục được ưu tiên sử dụng. Điều đáng nói là không một chiến hạm nào của hải quân Nhật được gửi đến để chống lại cuộc đổ bộ dù đảo chỉ cách Nhật Bản 700 dặm. Ngoài ra trước trận đánh, quan niệm phòng thủ của Kuribayashi đã bị Tokyo bác bỏ và ông buộc phải xây dựng một hệ thống phòng thủ ngoài bãi biển. Phần lớn hệ thống này đã bị phá hủy khi trận chiến bắt đầu.

Ngày 5 tháng 1 năm 1945, Chuẩn Đô đốc Ichimaru thực hiện một bản báo cáo cá nhân tại sở chỉ huy của ông để nói về thất bại của hạm đội Nhật trong trận hải chiến vịnh Leyte, việc Philippines mất về tay Mỹ và ông dự báo rằng Iwo Jima sẽ sớm bị người Mỹ đổ bộ. Dự đoán này trở nên chính xác khi một tháng sau đó radio của quân Nhật trên đảo báo cáo cho chỉ huy đảo về sự thay đổi đáng ngờ của mật mã nhận dạng máy bay Mỹ. Ngày 13 tháng 2, một máy bay trinh sát của Nhật phát hiện 170 tàu chiến Mỹ di chuyển về hướng tây bắc từ Saipan. Toàn bộ lính Nhật tại quần đảo Ogasawara đều được báo động và di chuyển đến các vị trí chuẩn bị cho trận chiến. Tại Iwo Jima, mọi sự chuẩn bị đã đầy đủ và quân phòng thủ đã sẵn sàng đón chờ cuộc đổ bộ.[22]

Phía Hoa Kỳ

kế hoạch đổ bộ của người Mỹ

Về phía Mỹ, chuẩn đô đốc Raymond Spruance, người từng chiến thắng quân Nhật trong trận Midway và cũng là tư lệnh chiến dịch đánh chiếm quần đảo Mariana, được chỉ định làm tổng tư lệnh trận đánh. Chuẩn đô đốc Richmond Kelly Turner làm Tư lệnh các lực lượng viễn chinh. Trung tướng Holland Smith được chọn làm tư lệnh hành quân các lực lượng thủy quân lục chiếnthiếu tướng Harry Schmidt làm tổng tư lệnh các lực lượng đổ bộ gồm ba sư đoàn thủy quân lục chiến: Sư đoàn 4 và 5 ở Hawaii và sư đoàn 3 ở Guam. Tư lệnh Sư đoàn 3 là thiếu tướng Graves B. Erskine và tư lệnh Sư đoàn 5 là thiếu tướng Keller E. Rockey. Lực lượng hải quân Hoa Kỳ yểm trợ cho cuộc đổ bộ bao gồm 700 chiến hạm của Đệ tam hạm độiĐệ thất hạm đội, trong đó có 28 hàng không mẫu hạm với 1.172 máy bay trên các mẫu hạm.[23] Tổng cộng, số quân Mĩ tham gia trận đánh nếu tính luôn các đơn vị không lực, hải quân lên đến con số 120.000 người.[24]

Kế hoạch đổ bộ của người Mỹ lên Iwo Jima bao gồm việc sư đoàn thủy quân lục chiến số 4 và 5 sẽ đổ bộ lên bờ biển phía đông nam và tập trung đánh chiếm núi Suribachi, sân bay phía nam và bờ biển phía tây. Sau khi hoàn thành mục tiêu, Sư đoàn 3 sẽ bắt đầu yểm trợ và cùng tiến về phía đông bắc đảo.

Thiết giáp hạm USS New York dùng hải pháo yểm trợ cho cuộc đổ bộ vào ngày 16 tháng 2 năm 1945

Theo các thông tin tình báo mà Hoa Kỳ nhận được, họ cho rằng có thể đánh chiếm Iwo Jima trong vòng năm ngày. Tuy nhiên trước trận đánh, người Mỹ đã có những đánh giá sai lầm về hệ thống bố phòng của người Nhật cũng như sai lầm trong quá trình chuẩn bị. Họ ước tính sai quân số Nhật trên đảo tới 70%. Ngoài ra sự thay đổi về chiến thuật của Nhật Bản, không thực hiện các cuộc tấn công tự sát, một kinh nghiệm mà người Nhật đã rút ra từ các trận đánh trước cũng là một yếu tố mà Mỹ không ngờ tới. Và cuối cùng, những khó khăn về điều kiện thiên nhiên như địa hình đất núi lửa ở Iwo Jima đã không bao giờ được kiểm tra trước trận đánh.[25]

Một yếu tố khác càng làm tăng sự chủ quan của người Mỹ là trong hơn hai tháng kể từ ngày 10 tháng 12 năm 1944, các máy bay ném bom B-24B-29 của Mỹ xuất phát từ quần đảo Mariana đã tiến hành 75 trận oanh tạc tại Iwo Jima, trút xuống hòn đảo hàng trăm tấn bom hòng bẻ gãy hệ thống phòng thủ tại đây. Đến ngày 15 tháng 2 năm 1945, các chiến hạm Mỹ có nhiệm vụ yểm trợ đổ bộ đã bắn phá dữ dội hòn đảo với 21.926 quả đạn pháo. Các chiến hạm Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc bắn phá đổ bộ bao gồm 6 thiết giáp hạm (Arkansas, New York, Texas, Nevada, IdahoTennessee), 5 tuần dương hạm (Pensacola, Salt Lake City, Chester, TuscaloosaVicksburg) và nhiều khu trục hạm thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 54.[26] Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm hàng không mẫu hạm số 58 của Mỹ do Phó Đô đốc Marc A. Mitscher chỉ huy còn tiến hành các cuộc oanh kích vào các căn cứ không quân và khu công nghiệp trọng yếu tại Tokyo trong hai ngày 16 và 17 tháng 2 trước khi quay về yểm trợ cho cuộc đổ bộ lên Iwo Jima. Tuy nhiên trong thực tế, khi cuộc đổ bộ bắt đầu, quân trú phòng Nhật hầu như không bị tổn thất nhiều vì núp sâu trong các hang động, ngoại trừ các ụ súng bố phòng dọc theo bờ biển bị tiêu diệt. Hơn nữa, cuộc bắn phá của hải quân Mỹ chỉ diễn ra trong ba ngày thay vì mười ngày như được yêu cầu ban đầu từ tướng Holland Smith.[27] Cuộc đổ bộ được mang tên chiến dịch Detachment và ngày đổ bộ được ấn định là ngày 19 tháng 2 năm 1945. Vào ngày D-2, pháo binh Nhật đã nã đạn vào các tàu đổ bộ của lực lượng trinh sát Mỹ khiến cho vị trí của họ bị bại lộ trước hỏa pháo của Mỹ.[28] Ngày 18 tháng 2, ngày D-1, khu trục hạm USS Blessman bị một quả bom 500-pound đánh trúng phòng ăn tập thể giết chết 40 người, trong đó có 15 người thuộc lực lượng trinh sát.[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Iwo_Jima http://www.britannica.com/EBchecked/topic/648813/W... http://www.imdb.com/title/tt0038175/ http://www.imdb.com/title/tt0055270/ http://www.iwojima.com/ http://articles.latimes.com/2007/jun/26/local/me-l... http://www.military.com/NewContent/0,13190,NI_Iwo_... http://www.wanpela.com/holdouts/profiles/kufuku.ht... http://www.youtube.com/watch?v=SiE_s2zoCZc http://www.youtube.com/watch?v=sKbnWTKKVn8&feature... http://history.sandiego.edu/gen/WW2Timeline/LUTZ/i...